Ví Bitcoin (Bitcoin Wallet) là gì?
Ví Bitcoin là một dạng phần mềm chuyên dụng để chứa Bitcoin. Tuy khái niệm là vậy nhưng thực chất Bitcoin hay đa số các loại tiền điện tử khác đều lưu trữ thông tin trong sổ cái (blockchain) dưới dạng một chuỗi ký tự gọi là private key nên các loại ví Bitcoin chỉ là phần mềm kiểm soát private key để thực hiện giao dịch Bitcoin mà thôi. Bất kỳ ai có thể kiểm soát private key của bạn đều có thể rút tiền của bạn mà không cần thông qua ví. Một private key sẽ trông như thế này: 5Bc3kLf4hgWgtifmDA76MzPL6TsZZY30yrf2493p83kkfjhx0wlh
Các loại ví Bitcoin phổ biến
Ví Bitcoin chủ yếu phân thành hai loại ví gọi là ví nóng và ví lạnh. Ví nóng có nghĩa là ví có kết nối internet còn ví lạnh thì không. Trong khi ví nóng tỏ ra tiện dụng hơn trong việc giao dịch thì ví lạnh lại an toàn hơn do gần như không thể bị hack.
Ví nóng
Ví nóng lại được chia thành nhiều các loại ví nhỏ hơn như ví phần mềm, ví di động, ví sàn giao dịch, ví web…Mỗi loại lại có đặc điểm và tính năng khác biệt để phù hợp với nhu cầu của người dùng. Sau đây mình sẽ giới thiệu một số loại ví Bitcoin an toàn và phổ biến nhất.
Bitcoin Core
Đây là ví phần mềm chứa Bitcoin đầu tiên và cũng là nổi tiếng nhất do chính Satoshi Nakamoto phát hành. Bitcoin Core là một ví Bitcoin có những chức năng cơ bản như: Tạo ra ví Bitcoin mới, nhận và gửi bitcoin. Ngoài ra khi bạn sử dụng Bitcoin Core thì bạn chính là một node của blockchain Bitcoin, nó giúp tăng cường sức mạnh bảo mật của toàn bộ mạng lưới. Khi sử dụng Bitcoin Core thì chắc chắn bạn không phải lo lắng gặp phải lừa đảo, giao dịch giả mạo hay bị lộ thông tin vì mọi giao dịch đều được xác minh trước khi hoàn thành, đây là ưu điểm mà tất cả các ví Bitcoin khác không thể có. Sự bảo mật cũng là một ưu điểm tuyệt vời của Bitcoin Core khi tương thích với Tor, chống theo dõi giao dịch, cảnh báo bảo mật tốt hơn…
Tuy nhiên khi sử dụng Bitcoin Core thì bạn phải tải toàn bộ blockchain của Bitcoin về nên nó có dung lượng khá nặng (hơn 300GB), Bitcoin Core cũng thiếu rất nhiều tính năng mà người sử dụng Bitcoin hay dùng. Mình khuyên bạn chỉ nên sử dụng ví này khi bạn thực sự là một fan trung thành của Bitcoin.
Blockchain
Blockchain là một ví website khá nổi tiếng do sử dụng dễ dàng nhưng mức độ bảo mật vẫn đảm bảo cho hầu hết người dùng. Không chỉ là một ví Bitcoin, Blockchain còn cung cấp nhiều dịch vụ như mua Bitcoin bằng fiat, theo dõi giá Bitcoin, kiểm tra thông tin giao dịch, vay USDT…Hiện nay Blockchain không chỉ lưu trữ Bitcoin mà còn lưu trữ một số tiền điện tử khác là Ethereum, Algo, Bitcoin Cash, USDT…
Blockchain sử dụng Wallet ID để khách hàng truy cập vào Bitcoin của mình
Khác với các ví Bitcoin khác, Blockchain sử dụng Wallet ID và Password để cho phép bạn truy cập vào Bitcoin của mình mà không cần sử dụng privatekey, qua đó đảm bảo an toàn cho privatekey của bạn. Wallet ID và password do bạn tạo ra trên Blockchain được mã hóa, Blockchain không hề lưu trữ lại nên không ai có thể truy cập. Tuy nhiên nếu bạn vô tình làm mất Wallet ID thì vẫn có thể dùng seed phrase mà Blockchain cung cấp để truy cập vào số Bitcoin của mình.
Ví sàn giao dịch
Trừ một số ít sàn giao dịch OTC, hầu hết các sàn giao dịch tiền điện tử đều cung cấp tính năng lưu trữ Bitcoin cho người sử dụng. Tuy nhiên nếu bạn lưu trữ Bitcoin trên đây thì tài sản của bạn phụ thuộc hoàn toàn vào của sàn giao dịch chứ bạn không thể kiểm soát, cũng không có sàn giao dịch nào cung cấp privatekey cho người sử dụng do họ thường lưu trữ tập trung Bitcoin của nhiều người dùng vào một ví. Điều này dẫn đến nguy cơ sàn giao dịch bị hack và bạn có thể đánh mất toàn bộ số Bitcoin của mình mà không thể lấy lại. Mặc dù vậy, sự tiện lợi khi lưu trữ Bitcoin trên các sàn giao dịch khiến đa số người dùng chấp nhận đánh đổi rủi ro.
Một số sàn giao dịch phổ biến cho phép chứa Bitcoin: Binance, Huobi, Remitano, Coinbase, Gate….
Các ví đa năng khác
Hiện nay các ví chỉ chứa Bitcoin đã không còn được ưa chuộng. Hầu hết các ví điện tử đều cung cấp việc lưu trữ từ vài chục đến vài trăm loại tiền điện tử khác nhau cùng một lúc. Ngoài ra chúng còn có thêm nhiều tính năng như mua bán, trao đổi các loại coin, theo dõi tin tức, giá cả…
Một số ví nổi tiếng nhất có thể kể đến như: Trust Wallet, Safepal,Coinbase, Kleaver, Coinomi, Atomic Wallet…
Ví lạnh (Ledger Nano, Trezor,…)
Ví lạnh là ví không có kết nối internet. Nó có thể là bất kỳ thứ gì ghi lại đoạn ký tự private key chứa Bitcoin của bạn như tờ giấy, USB, ổ cứng…Tuy nhiên khi nhắc đến ví lạnh người ta chủ yếu nhắc đến các loại ví phần cứng (hardware wallet). Đó là loại thiết bị điện tử có thể chứa được private key và giao tiếp với máy tính để lưu trữ, giao dịch Bitcoin.
Những ví phần cứng kiểu này có cả hai ưu điểm của ví lạnh lẫn ví nóng. Chúng không thể bị hack nhưng đồng thời không cần phải nhập private key vào phần mềm khác khi cần sử dụng như các loại ví lạnh khác, bạn chỉ cần kết nối vào máy tính có internet là đủ. Nhược điểm của chúng là có thể bị hỏng hóc dẫn đến mất mát tài sản, giá của chúng khá đắt so với các loại ví khác (khoảng 100 ~ 200 USD)
Các loại ví cứng phổ biến nhất là: Ledger Nano S, Trezor, Keepkey…Các loại ví này hầu hết không có sẵn tại Việt Nam mà phải nhập khẩu nếu muốn mua.
Nên sử dụng loại ví Bitcoin nào là tốt nhất?
Rất khó để trả lời vì điều đó phụ thuộc vào nhu cầu của bạn. Mỗi loại ví Bitcoin đều có ưu điểm nhất định chứ không thể nói ví nào tốt ví nào xấu.
Nếu bạn là một người dùng tiền điện tử thông thường thì ví Bitcoin trên sàn giao dịch hay các ví phần mềm là đủ. bạn có thể nhanh chóng bán Bitcoin của mình khi cần thiết để quy đổi ra tiền mặt. Bạn cũng không cần phải lo lắng quá về vấn đề bảo mật, hacker thường ít chú ý đến những người dùng có ít tài sản, xác xuất tiền điện tử của bạn trên sàn giao dịch bị hack cũng khá ít, mình đã sử dụng qua hàng chục sàn giao dịch nhiều năm qua nhưng chưa bị hack bao giờ.
Nếu bạn thuộc giới nhà giàu thì bạn nên ưu tiên các loại ví phần mềm như Bitcoin Core hay ví phần cứng như Trezor. Chúng có mức độ bảo mật cao, đảm bảo an toàn cho Bitcoin của bạn. Tuy nhiên bạn hãy nhớ lưu trữ private key để riêng phòng trường hợp ví Bitcoin của mình bị hỏng bạn nhé.