Bảo mật là một phần quan trọng trong lĩnh vực tiền điện tử. Toàn bộ tài sản của bạn có thể bị hacker đánh cắp mà không có cách nào thu hồi nên bạn phải biết tự tìm cách bảo vệ mình. Sau đây coin68 sẽ giới thiệu 10 mẹo bảo mật đơn giản nhưng hữu ích để phòng tránh hacker cho bạn đọc.
Sử dụng mật khẩu phức tạp và dùng riêng cho mỗi web
Hãy cố gắng tạo một mật khẩu dài và phức tạp để hacker không thể bẻ khóa. Một mật khẩu tiêu chuẩn sẽ có 8 ký tự bao gồm cả số và chữ cái, chữ in hoa và một ký tự đặc biệt. Trông nó sẽ giống thế này: hoaPro415@. Mật khẩu được thiết lập như vậy có thể sẽ khiến hacker mất hàng ngàn năm để bẻ khóa. Nếu quá lười, bạn có thể vào trang web Passwords Generator để tạo ra một mật khẩu ngẫu nhiên.
Bạn cũng không nên dùng chung mật khẩu cho nhiều website. Vì nếu có một mật khẩu bị lộ thì nó cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới tài khoản ở các website khác. Đặc biệt không nên để mật khẩu email trùng với bất kỳ tài khoản website nào, rất nhiều hacker sẽ cố gắng dùng mật khẩu trộm được ở website để thử đăng nhập vào email của bạn.
Không nên dùng tính năng lưu mật khẩu trên trình duyệt
Mặc dù tính năng lưu mật khẩu trên trình duyệt rất tiện lợi, nhưng chúng rất dễ bị hacker trộm cắp. Bạn không nên lưu những mật khẩu quan trọng chứa tài sản trên trình duyệt web như Chrome.
Tránh dùng wifi công cộng để đăng nhập vào tài khoản
Khi bạn sử dụng wifi, dữ liệu duyệt web của bạn như mật khẩu phải gửi qua wifi tới nhà cung cấp mạng. Nếu là wifi công cộng, hacker hoàn toàn có thể lợi dụng điều này để đánh cắp dữ liệu của bạn. Đây là lỗi bảo mật khá phổ biến tại Việt Nam, nguyên nhân của rất nhiều vụ hack tiền điện tử mà nạn nhân không hiểu tại sao.
Cẩn thận với những trang web giả mạo
Bạn nên truy cập thẳng vào trang web bằng bookmark có sẵn. Rất nhiều trang web giả mạo chạy quảng cáo Google Ads để chiếm vị trí đầu bảng, bạn có thể truy cập nhầm vào đó và để lộ tài sản cho hacker chiếm đoạt.
Website giả mạo Binance
Dùng ví riêng thay vì để coin trên sàn giao dịch
Để coin trên sàn giao dịch dễ bị hack và bạn không được quyền kiểm soát private key. Kể cả những sàn lớn như Binance hay Poloniex cũng đã từng bị hack. Còn một vấn đề nữa là thỉnh thoảng sẽ có một số coin bị delist, nếu không rút ra kịp thời bạn sẽ mất số coin đó. Nếu bạn giữ coin ở ví riêng, chúng sẽ vĩnh viễn ở đó (nhưng điều này không đảm bảo giá trị của coin)
Các loại ví có mức độ bảo mật cao dần theo thứ tự:
Ví sàn giao dịch => Ví website => Ví phần mềm => Ví cứng
Các ví cứng như Ledger Nano, Trezor Là cách an toàn nhất để lưu trữ coin. Bạn có thể mua các loại ví này nếu có điều kiện (Ví cứng khá đắt, khoảng từ 100 ~ 200 USD). Nếu không có thì hãy sử dụng những ví phần mềm trên di động như SafePal, Trustwallet, Coinomi…
Giữ cho thiết bị điện tử của bạn sạch sẽ
Không cài những phần mềm yêu cầu những quyền truy cập vô lý. Xóa sạch file rác và đảm bảo điện thoại của bạn không có virus. Nên sử dụng điện thoại thông thường (không phải smartphone) như Nokia để nhận mã 2FA, những điện thoại như thế này không thể bị hack.
Bật xác thực hai lớp (2FA) và xác thực SMS
Dùng những ứng dụng như Authy hoặc Google Authentication để tạo thêm một lớp bảo mật. Những mã xác thực kiểu này được tạo mới mỗi 30 giây, hacker cho dù trộm được mật khẩu của bạn cũng khó có thể làm gì với chúng. Nếu có thêm xác thực SMS thì 99% hacker sẽ bó tay.
Mã authenticator để bảo mật 2 lớp
Giữ bí mật về thông tin cá nhân của bạn
Những dữ liệu như số CMND, khuôn mặt, dấu vân tay của bạn có thể bị hacker lợi dụng để chiếm đoạt quyền kiểm soát tài khoản sàn giao dịch. Không nên để lộ những thông tin nhạy cảm như thế này.
Chắc chắn là gửi tiền đến đúng địa chỉ
Hãy luôn kiểm tra lại nhiều lần thật kĩ xem địa chỉ ví nhận đã chính xác chưa, đã chọn đúng network chưa. Nếu gửi sai, bạn sẽ mất coin vì Blockchain không thể hoàn lại tiền cho bạn. Đặc biệt mạng Binance Smart Chain và Ethereum rất dễ nhầm vì sử dụng chung địa chỉ. Vì lý do bảo mật, nhiều sàn giao dịch sẽ không chấp nhận hỗ trợ những trường hợp nhầm lẫn như vậy.
Ngoài ra, có một kiểu hack rất khó chịu đó là hacker sẽ thay đổi địa chỉ ví mà bạn copy thành địa chỉ ví của hắn. Nếu bạn không chú ý mà gửi tiền luôn thì sẽ mất tất cả. Có một mẹo nhỏ để kiểm tra ví có đúng không bằng cách bấm Ctrl+F rồi dán địa chỉ ví vào thanh công cụ . Nếu địa chỉ ví giống nhau thì sẽ hiển thị cho bạn dưới dạng bôi vàng như thế này:
Phím tắt Ctrl+F sẽ giúp bạn nhanh chóng kiểm tra xem địa chỉ ví bạn copy có chính xác không
Tổng kết
Không nên xem nhẹ vấn đề bảo mật tiền điện tử. Mặc dù những vụ hack người dùng tiền điện tử thông thường ít khi xảy ra, nhưng chúng có thể làm bạn mất mát toàn bộ tài sản khi gặp phải. Áp dụng những mẹo vặt kể trên có thể giúp bạn né tránh đến 99% các thủ đoạn hack thường gặp trên internet.